Y Đức Hai Họ Mộng Bào
cảm xúc thơ Nguyễn Đình Chiểu bài 69
“Rừng văn biển học mù sương phủ
Đấng tài hoa chẳng phụ tấm lòng
Chân nhân luyện hạt gieo trồng
Tuy ngồi một chỗ hanh thông đất trời
Nho, y, lý, đạo đời chăng chớ
Toán, bốc càng rạng rỡ Thái san
Thầy xem khí tượng thiên văn
Lời ngay cặn kẽ chứa chan mấy hồi
Hàng chục pho trau dồi kiến thức
Sách Đan Khê y học vẹn tuyền
Có câu “y bát chân truyền“
Anh em kết nghĩa đào viên kém gì?
Lời thầy dạy khắc ghi lòng dạ
Ngư, tiều đành từ dã ra về
Nhập Môn đưa khỏi Liễu Khê
Tình huynh nghĩa đệ dãi dề chia ly
Thác nước chảy ầm ỳ vội vã
Nắng ban mai vách đá bồn chồn
Ngư, Tiều quẩy gánh đi luôn
Ngoảnh đi than thở lệ tuôn đôi dòng
Búa rìu mục long đong ngày tháng
Tấm lưới sờn cay đắng xót xa
Quan san muôn dặm sơn hà
Non xanh nước biếc bao la đất trời
Nào ai hay nửa đời đổi bước
Bỏ rừng xanh sông nước theo nghề
Y khoa nay đã nguyện thề
Cứu nhân độ thế đồng quê thị thành
Bậc đại phu xứng danh nho sĩ
Trọn hai trăng kiên nghị dẻo dai
Ngày thương tháng nhớ u hoài
Xa nhà nặng gánh đôi vai nhọc nhằn
Biết bao nhiêu gian nan vất vả
Đặng gắng mình mài đá thành kim
Tiểu nhi khỏi mất công tìm
Lương y từ thiện trái tim mẹ hiền
Ngày mai nhé dời thuyền ngư phủ
Gánh hành trang đầy đủ kim châm
Xọt đeo hái thuốc âm thầm
Quẳng dìu xó bếp thành tâm cứu người
Cả hai ngã nói cười rôm rả
Nửa ngày đi bóng ngả quang âm
Mừng thay ra khỏi Y lâm
Bỗng đâu chớp giật ầm ầm sấm vang
Mây đen tới vội vàng tìm chỗ
Gió mưa phun đây đó rậm rì
Nát nhàu cây cỏ đường đi
Vắng tanh dấu thỏ chim di lạc đàn
Nhìn ngơ ngác ngút ngàn sơn cước
Vái lâm quân chỉ bước chân đi
Thấy ngay hang đá tức thì
Dây leo chằng chịt đầm đìa hạt mưa.“
“y bát chân truyền“:
Cái áo cà sa và cái bát đi xin ăn của nhà sư, khi chết đi thì trao lại cho đồ đệ. Y bát chân truyền ý nói người học trò học được hết cái sở học chân chính của thầy.
Kết nghĩa đào viên? Tiểu thuyết nổi tiếng "Tam Quốc diễn nghĩa" của tác giả La Quán Trung từng có đoạn: Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi ba người tâm đầu ý hợp, quen biết không lâu đã kết bái huynh đệ tại vườn đào Trương gia.
Cũng kể từ đó, ba người huynh đệ khác họ ấy đồng tâm hiệp lực, lập nên Thục quốc, một trong ba ba thế lực tạo thành "thế chân vạc" thời Tam Quốc.
Y Đức Hai Họ Mộng Bào
cảm xúc thơ Nguyễn Đình Chiểu bài 70
“Thật khéo thay cũng vừa đủ chỗ
Hai chàng bèn lọ mọ chui vào
Giở ngay cơm nắm khi nào
Nhập Môn gói sẵn nghẹn ngào sư huynh
Đi mùa xuân nắng tình hoa bướm
Mùa hạ về mưa đợm cỏ cây
Ve sầu rả ríc vui vầy
Cuốc kêu tu hú vượn bầy râm ran
Gió hiu hắt bạt ngàn mai trúc
Lòng xốn xang thúc giục đôi chân
Thình lình trống đánh rất gần
Giật mình há hốc quan quân tiến vào
Cúi lom khom chào rào lấp ló
Đuốc sáng chưng rõ tỏ mặt người
Cờ vuông lỗ bộ đứng coi
Cánh chuồn nghiêng ngó xăm soi lạ lùng
Một quan lớn ung dung chễm trệ
Kiệu lọng vàng thị vệ xếp hàng
Giáo gươm hùng hổ nghênh ngang
Ngư Tiều khép nép ngỡ ngàng bước ra
Có năm ngã kêu la thảm thiết
Cổ đeo gông dây xiết cổ tay
Oan khiên chen chúc một bầy
Công đường thảm thiết đơn đầy một mâm
Quân áp giải ầm ầm sát khí
Hương án xông chuẩn bị đăng đàn
Trước sân kìm, kẹp, roi, giàn
Lệnh truyền sĩ tốt phạm nhân bắt quỳ
Trống nổi lên quân uy soi mói
Lão Đậu kia bị trói dẫn vào
Hỏi làm thày thuốc khi nào?
Đậu khoa phương pháp âm hao tỏ tường
Chữa trị bậy bất thường táo tợn
Chết nhiều người gốc ngọn cung khai
Đậu rằng vốn chẳng học ai
Nhờ cha thuốc trái mấy bài để cho
Ba ngày trái phì phò mới phát
Dùng thang thanh lường gạt mát rồi
Sáu ngày trái mọc than ôi
Thần công tán hốt cố bồi cho xong
Bệnh thành nặng chẳng mong chữa khỏi
Nghề lang băm lại giỏi mánh mung
Chín ngày trái chẳng quán nung
Tranh nhau cố hốt lộc nhung thang thầy
Mười hai ngày đóng dày mưng mủ
Nội thiên kim thác ủ bệnh ngay
Thật ra chẳng rõ thang này
Phép cha thanh biểu độc quay quắt hoài
Quá kỳ trái dằng dai nóng sốt
Phép cha truyền cứ hốt thang bừa
Dửng dưng kinh sách xa xưa
Đậu sang mấy bữa hay chưa bất kỳ“
Đậu mùa là một căn bệnh truyền nhiễm của riêng loài người. Đậu mùa có tên gọi tiếng Latinh là Variola hay Variola vera, trong đó từ varius có nguồn gốc nghĩa là "có nốt", hoặc varus, nghĩa là "mụn nhọt".
Đậu mùa gây bệnh trong các mạch máu nhỏ ở da, miệng và cổ họng. Ở vùng da, bệnh gây ra những vết ban nổi sần đỏ đặc trưng, sau đó da bị phồng rộp những vết sần chứa nước
Đậu mùa xuất hiện vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên. Chứng tích xưa nhất của bệnh đậu mùa là những vết mụn mủ trên xác ướp của Pharaon Ramses V thời Ai Cập cổ đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét