Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Trở Ra Miền Bắc (5)


Truyện kể của Lu Hà phần 5

Tôi nghi lắm ban giám hiệu nhà trường chắc có họp hội đồng giáo viên, có thể họ đã đã đặt vấn đề về thái độ giác ngộ cách mạng của tôi, họ cho là tôi không có tinh thần xây dựng tập thể không tham gia công tác đoàn thể, ích kỷ cá nhân chỉ lo vào dùi mài kinh sử, học tập chăm chỉ nên cố tình phanh bớt lại, làm giảm đi năng lực học tập của tôi đi? Một hai tháng đầu chính tay thượng úy lớp trưởng còn ca ngợi tôi hết lời, sau đó các sĩ quan và tụi lính tráng học viên trong lớp, ngay cả đám giáo nô cũng nhìn tôi với con mắt lạnh nhạt. Những bài toán khó tôi giải đúng đáp số, hay cả môn hóa học nhưng chỉ nhận có điểm 5 hay 6 thôi. Mỗi sáng ngủ dậy tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân, chăn màn phải xếp lại gọn gàng nắn cho vuông thành sắc cạnh. Họ còn lấy dây căng ra ở đầu giường, một dãy dài thẳng tắp lự. Buổi sáng phân công thay nhau đi lấy bánh mỳ, bữa trưa xếp hàng đi đều bước đến nhà ăn. Mấy ngã giáo nô cứ săn văn bên cạnh thằng Tuấn, nó và thằng An học dốt, chuyên bỏ ra ngoài thị trấn Lạng Sơn săn gái nhưng lại được tụi giáo nô ưu ái. Có thể  vì thằng Tuấn có bố làm cỡ cán bộ khủng ở bộ đại học, giáo dục đào tạo để hy vọng nhờ vả sau này nếu tụi giáo nô được xuất ngũ ra khỏi quân đội, còn có chỗ thơm tho cho cái nghề giáo hoc béo bở? Còn thằng An bố nó cũng cùng cỡ đại tá như ông hiệu trưởng của trường, dều là cánh hẩu với nhau.


Năm 1974 và năm 1975 miền Bắc có ý định nuốt trọn miền Nam, nên lương thực và thực phẩm dồn hết tất cả cho tiền tuyến. Trường văn hóa quân đội là nơi đào tạo cán bộ nguồn cũng thường xuyên ăn không được no. Mỗi buổi sáng một cái bánh mỳ phải chia đôi. Anh Khánh từng là thiếu úy thâm niên thuộc binh chủng không quân, từng học ở Nga về, thường hay đọc truyện viễn tưởng của Nga dịch cho tôi nghe. Anh là sĩ quan hoa tiêu, dẫn đường bay gì đó dưới mặt đất. Chỉ dính tý chút thành phần tư sản thành thị, nên anh bị ngâm tôm mãi với cái lon thiếu úy quèn. Nên anh bực mình xin về trường văn hóa học để thi vào đại học dân sự. Anh Khánh có sáng kiến rang cơm nguội, số cơm thừa hôm trước ăn không hết vì thiếu thức ăn. Cơm rang trên ngọn lửa đèn cồn với muối ăn ngon thật, chia nhau trong tổ tam tam. May qúa tôi lại có ông chú họ làm cán bộ của một nông trường trồng rừng tỉnh Lạng Sơn. Cứ mỗi chiều thứ bảy tôi lại ra thăm chú và cả ngày chủ nhật ở đó, chiều tối mới trở về trường. Chú thương cháu đói nên thường dẫn tôi đi thăm các bản người nùng, tày, dao, mông. Họ thường giết gà mổ lợn khao hai chú cháu. Tôi dạo chơi trên các đồi sim, hái sim ăn thỏa thích. Chú rất tình cảm, ngày tôi xuất ngũ chú cũng tiễn tôi ra tận bến xe. Chú móc tiền trong ví cho tôi.

Kết quả thi tốt nghiệp tôi đạt điểm cao cả 3 môn. Toán 10, lý và hóa điểm 9.
Nhưng than ôi! Học tài thi phận, khi thi vào đại học kỹ thuật quân sự tôi lại thiếu điểm. Có lẽ Việt Nam là một nước luôn có chiến tranh nên họ coi trọng trường đại học kỹ thuật quân sự?  Năm đó vào đại học kỹ thuật quân sự phải nhất thiết đủ 17 điểm, tổng hợp toán 16 điểm, đại học bách khoa 15 hay 14 điểm, các trường khác cứ thứ tự 13, 12, 11 và 10 v. v.. là có thể vào học được rồi. Không hiểu sao học dốt như thằng Tuấn, thằng An lại trúng tuyển. Tôi nghi chúng nó biết trước đề bài, đã có sẵn lời giải?

Tôi như phát điên lên vì không vào được đại học kỹ thuật của quân đội, năm đó lại là năm quân đội Bắc Việt và mặt trận giải phóng miền Nam mở chiến dịch Hồ Chí Minh và đã chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Khi về phép tôi có đến thăm ông chú họ là giảng viên toán của trường đại học bách khoa Hà Nôi mới khuyên rằng: Cháu cứ xin cái phiếu điểm mang về đây, điểm của cháu thừa sức vào đại học bách khoa. Nên về trường  văn hóa Lạng Sơn tôi cứ nằng nặc làm đơn xin xuất ngũ, trong khi đó nhà trường có ý định cho tôi đi học sĩ quan, hay bét nhất cũng là trung cấp quân y để ra làm y sĩ.
Tôi mếu máo lồng lộn lên tìm gặp ông đại tá, lúc đó ông đang cúi xuống bàn hý hoáy ghi chép, giật mình ngẩng đầu lên nhìn tôi: Chuyện gì? Cậu làm tôi không tập trung được vào bản báo cáo. Ông đọc đơn xong, rồi bảo: Muốn xuất ngũ cũng được, nhà trường đang có hướng giải quyết cho cậu thì cậu lại xin về. Nếu cậu tin vào ông chú làm phó giáo sư có thể giúp được thì tôi cho cậu về. Đã về thì về hẳn đừng quay lại đây nữa, nhà trường hết trách nhiệm với cậu.

Tôi hớn hở mang cái phiếu điểm về, ghi rõ 16 điểm. Rồi một ngày đẹp trời hai chú cháu lên bộ đại học hỏi thì bị từ chối thẳng thừng. Họ bảo rằng điếm số cao, nhưng số điểm này do cục chính trị bên quân đội quản lý. Cục chính trị xin đề thi bên chúng tôi, cũng ba lem ấy, cũng đề bài ấy nhưng chúng tôi không quản lý. Hãy khuyên anh ấy ôn luyện năm sau nạp đơn thi lại. Chú tôi phân bua: chú cũng hết cách, các anh ấy đều chỗ quen biết cả, nhưng về nguyên tắc thì chú cũng đành chịu. Thôi mày hãy tham gia lớp học thêm của chú, chúng đang giảng dạy về môn toán. Cái số tôi cũng hẩm hiu như thằng em con ông chú ruột, nó cũng trúng tuyển đại học, nhưng chỉ vì cái tên trong giấy khai sinh là Dị, tên gọi ngoài đời lại gọi là Hải, không khớp nhau nên không được vào học. Một kiểu quan liêu, hành chính nhiêu khê rắm rối, bần tiện, tiểu nhân, ngu xuẩn, hèn hạ đố kỵ vô cùng của một cơ chế cổ hủ, thiếu năng động công bằng. Thật nực cười cả một hệ thống công an chính quyền mà không xác minh nổi thằng Dị và thằng Hải có gì khác nhau, hay vẫn chỉ là một. Cả 10 năm đèn sách tốn biết bao mồ hôi nước mắt cha mẹ nuôi cho ăn học để thi triển tài năng cống hiến cho gia đình cho xã hội cũng không bằng một mẩu giấy xác minh nhân diện.

Sau khi tôi đi học ở nghề ở Đức về tôi có chiếc xe máy Simson màu đỏ chóe chạy băng băng trên đường phố Hà Nội, bất ngờ gặp lại thằng Tuấn ở một góc đường, nó đang mang quân hàm thiếu úy, trên đầu đội một chiếc mũ dạ cấp tá không biết nó kiếm ở đâu, mặt cứ vênh vênh váo váo với chiếc xe đạp. Tôi tươi cười chào hỏi nó, nó nhìn tôi hằm hằm ghen tỵ và không thèm trả lời, nhảy lên xe đạp biến thẳng. Tôi cười thầm mẹ tiên sư mày, cái bằng đại học kỹ thuật của mày là bằng rỏm do bố mày mua cho, chứ  quý báu  đếch gì. Trình độ ngoại ngữ của mày chỉ là học tiếng của thằng Ivan. Kiến thức khoa học của mày thì có chó gì?  4 năm học thì một nửa chương trình học phải bị nhồi sọ Mác Lê Mao rồi. Vậy giá trị thực sự chỉ có 2 năm vào cỡ trung cấp kỹ thuật so với các nước phương tây thôi. Học nhưng ngu vẫn hoàn ngu, một cái đinh ốc cũng không tự sản xuất nổi.

 Còn đời mày và đời tao khi đã nhắm mắt xuôi tay ai sẽ hơn ai? Ai thực sự có kiến thức, tài ba lỗi lạc hơn ai? Tôi phóng xe máy sát bên nó rú ga cho nó sợ té đái, rồi vọt qua mất hút trong dòng xe cộ đông đúc.

23.6.2019 Lu Hà







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét