Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Tuổi Ấu Thơ (3)


Truyện kể của Lu Hà phần 3

Sau khi đưa tôi trở lại quê giao con trai cho ông bà và mẹ tôi, bố tôi trở lại đơn vị, còn mẹ tôi cũng sinh ra em bé. Bà nội tôi cũng trở nên thuận hòa với con dâu, vì mẹ tôi đã có công sinh ra hai đứa con trai cho dòng họ Nguyễn.


Ông tôi lại mua một căn nhà tranh cho ba mẹ con sinh sống, mẹ tôi cũng muốn đón cả bà ngoại về ở, nhưng bà không chịu chỉ muốn ở lại căn nhà của ông Lý với dì S là con gái út và dì cũng đã lấy chồng, chú dì ở lại căn nhà đó để phụng dưỡng bà ngoại. Tôi rất vui vì đã có em bé, tôi cõng em đi chơi, nó nghịch ngợm nhún nhảy trên lưng làm tôi mất thăng bằng tuột tay thằng em lăn tròng trọc xuống vệ ao. May quá lúc đó lại có chú N cháu gọi ông tôi là bác ruột, lao tới kịp đón thằng nhỏ, tôi sợ hết hồn cầu xin chú đừng mách gì với mẹ tôi. Ông tôi là người rất nhân từ, chú N, cô T là con của người em ruột quá cố. Cô chú mất cả cha lẫn mẹ bởi nạn đói năm 1945 nên ông tôi đã cưu mang cả  hai cháu. Căn nhà tranh chia làm hai một nửa là của ba mẹ con tôi, nứa kia là để cho cô T chú N ở. Vì mẹ tôi là con dâu nên còn được thêm mảnh vườn để trồng mia và nuôi lợn. Sau đó căn nhà vườn tượt lại giao cả cho chị em cô T, chú N. Bố tôi thấy công việc đồng áng vất vả, không hợp với mẹ tôi, nên bố đưa mẹ tôi và thằng em về Hà Nội sinh sống, dần dần mẹ tôi xin vào làm công nhân ở nhà máy gỗ Hà Nội. Ông bà vì tuổi già muốn có tôi ở bên cạnh để cho đỡ hiu quạnh, nên nài nỉ xin bố mẹ tôi để thằng Hà ở lại.

 Vì được ông bà nuôi dạy tôi nhiễm cái đức tính nhân hậu của bà, cái tình thương bao la, cái thú văn chương của ông. Ông tôi là một nhà nho, cốt cách giống như các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, nên ông tôi hay mang lời Khổng Mạnh ra để dăn bảo con cháu. Ông tôi không bằng lòng khi bà nội tôi cứ gọi mẹ tôi là con T, cả khi tôi bắt chước bà cũng gọi mẹ là con T. Đáng lý ra phải ngăn chặn thì bà tôi lại tỏ ra thích thú hả lòng hả dạ. Nên ông mới hay nói: Con hư tại mẹ cháu hư tại bà. Con chim nó đẹp thì cái lồng nó cũng phải đẹp, ai sách cái lồng đó thì cũng cảm thấy tự hào. Cái kim nó nhọn thì nó nhọn từ bé, không phải đợi nó lớn lên nó mới nhọn? Từ nhỏ cha mẹ nuôi con bằng vú sữa, lớn lên nuôi con bằng tinh thần. Nên lời ăn tiếng nói phải tỏ ra thận trọng, để làm cái gương tốt cho con cháu noi theo. Tôi còn có thể còn vượt xa hơn ông tôi? Tôi cũng đọc được kinh thư của Đạo Khổng Mạnh, Lão Tử, Phật pháp bằng chữ quốc ngữ, và hiểu những mặt hạn chế tiêu cực của thày Khổng Tử, tôi còn đọc cả nền triết học Kitô giáo và triết học hiện sinh phương tây. Cho nên có thể tôi nhìn đời, thế giới quan vũ trụ còn thông thoáng hơn ông tôi. Không dám nói là con hơn cha, cháu hơn ông là nhà có phúc đâu.

Bà ngoại tôi dáng người dong dỏng cao rất đẹp lão có nước da trắng hồng, nhưng ba người con gái sinh ra đều xinh đẹp nhỏ nhắn cả không cao lớn như bà. Tôi không biết mặt ông ngoại, nhưng dám chắc là ông ngoại tôi lúc sinh thời nhỏ con, chứ không phải to lớn vạm vỡ gì. Người con gái lớn lấy chồng ra ở riêng, tôi hay gọi là bá. Anh M con đầu lòng hơn tôi một tuổi sinh tuổi mão. Ở Việt Nam và bên Tàu tính tuổi theo 12 con giáp: Tí, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Tôi sinh tuổi rồng nên thích bay nhảy lượn lờ, nói như rồng leo, ăn như phượng cuốn. Còn anh M tuổi mèo, tôi thấy anh ấy lúc nào cũng rón rén và nhanh như con mèo. Tôi nhớ có lần mẹ đưa tôi qua nhà chơi, khi ra về thì anh M chạy tới chào hỏi và bảo dì đợi cháu một lát, rồi anh ấy thoăn thoắt leo lên cây nhãn như một con mèo. Tôi nhìn thấy mà sợ xanh mắt khi thấy anh M đu mình trên cành nhãn, anh ấy dùng mồm cặp một chùm, còn tay nắm chặt một chùm khá lớn, nhẹ nhàng leo xuống đưa cho tôi. Kể cả cách ăn uống anh M cũng giống như con mèo, đến bữa không ăn được nhiều, nhưng hay ăn vào các giờ khác, cứ vài tiếng lại thấy đói. Kể cả khi về Hà Nội học đại học sư phạm, anh ấy hay đến nhà chơi, đã ăn bữa cơm chiều rồi, nhưng  nửa đêm lại lục tìm cơm nguội.

Anh M học giỏi nên được nhà trường ưu tiên cho mua một cái xe đẹp thiếu nhi Liên Xô, anh ấy hay dùng chiếc xe này để phóng về tận trường cấp 3 Đông Phú cách làng tôi ở khoảng 10 cây số. Có lần tôi thấy anh ấy biểu diễn tài nghệ anh hùng tốc độ, khi đi xe trên con đê và lao xuống dốc như tên bắn, không thèm phanh lại, tôi nhìn mà cảm thấy rùng minh. Mẹ tôi là thứ hai trong nhà, dì S là con gái út, tôi thấy dì rất đẹp nhỏ nhắn chẳng khác gì nàng Triệu Phi Yến ngày xưa. Có lẽ cả làng tôi không thấy ai đẹp bằng bá M, mẹ tôi và dì S. Kể cả đám con gái mà bá và dì sinh ra đều là những mỹ nữ khoa khôi tuyệt sắc trong làng. Tôi nghĩ chắc là mang cái gen di truyền của bà ngoại. Đáng tiếc mẹ tôi không sinh ra con gái, nếu là con gái chắc hẳn em gái tôi cũng phải đẹp lắm.

Bác bá tôi chỉ có anh M là con trai duy nhất, và 3 người con gái, tuy ít tuổi hơn tôi nhưng vẫn xếp vào vai trên và tôi luôn phải cung kính lễ phép gọi là chị.
 Mừng thay cũng là phúc đức cho ông anh rể nào được lấy các chị làm vợ.

Dì S tôi sinh ra được đứa em gái tên nó là con V, nó cũng xinh đẹp như mẹ. Nó ngoan lắm, tôi nhớ mãi kỷ niệm đẹp khi tôi qua nhà bà ngoại chơi thì nó đã học lớp 5 và nó khoe với tôi nó học được tiếng Tàu và nó mang sách ra đọc rất say xưa hồn nhiên. Trước đó, khi dì tôi sinh ra đứa em trai tên nó là thằng H. Bà nội tôi bảo: Nghe nói dì mày mới sinh ra em bé, sang bên đó chơi xem là trai hay gái? Khi tôi đến chơi thì dì không có nhà, chỉ có bà ngoại ngồi đung đưa cái nôi tre. Bà bảo: Hà đấy à, vào trong buồng có mấy nải chuối mới chín, bẻ lấy một quả mà ăn. Nhưng tôi không bẻ một quả mà 3 quả ăn no rồi chạy ra chuồng lợn ném toẹt 3 cái vỏ chuối, rồi mới lại thăm em.
Thằng bé bụ bẫm thật, mắt to tròn đen láy nhìn tôi thao láo. Tôi vừa đưa tay định đẩy cái nôi, thì bà ngoại tôi chặn lại: Âý  ấy mày không được đẩy, mày ghẻ kềnh ghẻ càng như vậy, những con cáy ghẻ nó sẽ nhảy lên mình em bé. Tôi phụng phịu giận bà và bỏ về nhà. Tôi lại hay bẻm mép, mách lẻo về kể với bà nội. Bà S bảo cháu bị ghẻ, cấm sờ đến em bé. Bà tôi lại kể chuyện với hàng xóm. Người nhà quê hay lắm chuyện lôi thôi, rắc rối như thế đó. Chuyện bay đến tai dì S. Dì nghe vậy mà toát cả mồ hôi, tôi là đứa trẻ con, nên dì không thèm chấp nhưng cái tiếng để cho dì và bà ngoại chê thằng cháu bị ghẻ lở kềnh càng là dì không chịu được. Đều là cháu ngoại cả, đứa thì cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa, bảo vệ chằm chặp, đứa thì coi thường cho là ghẻ lở. Bây giờ lớn lên nghĩ lại tôi mới hiểu chuyện và giận cho cái mồm trẻ thơ của tôi. Tôi thấy hối hận lắm, vì nói năng sàm sú để dì buồn. Sao lại kể như vậy, bà ngoại bảo vệ em bé từng ly từng tý khi mới sinh ra là đúng. Chuyện trẻ con mất lòng người lớn. Nhưng bà ngoại tôi vẫn chẳng phàn nàn trách móc gì tôi, bà vẫn ân cần thương mến, nên tôi vẫn hay đến chơi, có chuối cho chuối, có na cho na, có ổi cho ổi. Đúng là cháu bà nội làm tội bà ngoại, câu nói đó của người Việt Nam quả không sai.

Các bà, các bá các dì bên ngoại thương tôi lắm, vì bố mẹ tôi đều ở Hà Nội cả. Thấy tôi cứ cái quần cộc trời nắng chang chang đen thui như Trương Chi, Chử Đồng Tử chạy lông nhông, lêu lổng ngoài đường mới gọi lại bảo. Bá M và các dì kể các dì con gái em trai ông ngoại tôi cũng thường cho tôi tiền. Bá và các dì luôn mở cái bao thắt lưng ra moi tiền cho tôi. Ngày đó chỉ 5 xu hay một hào thôi cũng có thể mua được mấy cái kẹo vừng hay một vốc táo. Ngày tết có khi tôi trúng mánh, có dì còn cho tôi đến 5 hào hay 1 đồng cụ mượt.

Bà ngoại tôi quả là thích ớ sạch một cách đặc biệt, cả làng tôi không thấy ai thích sống sạch sẽ như bà ngoại, mùa hè vừa vào tới nhà đã cảm thấy có một luồng không khí trang nghiêm mát lạnh, nền nhà láng bóng, có hoành phi câu đối, giường tủ sập gụ, bàn ghế đều sạch bóng. Trên cái phản sơn son thếp vàng luôn có 2 cái chổi lông gà màu sắc sặc sỡ rất đẹp chỉ dùng để phẩy bụi. Tôi nói không quá nếu có dùng kính lúp lên soi cũng không tìm thấy hạt bụi nào. Mùa hè bà không dùng chiếu cói mà chỉ nằm bằng dát gường làm từ nứa già đan lại nhẵn bóng mát vô cùng.

Xét thấy công việc đồng áng mệt nhọc, không phù hợp với cái tạng người nhỏ bé của mẹ nên bố tôi đưa mẹ tôi về Hà Nội sinh sống, trở thành công nhân nhà máy gỗ Hà Nội và mang theo cả thằng em thứ hai. Thủ trưởng của mẹ tôi là một chú người miền Nam thuộc tỉnh Quảng Nam tập kết ra Bắc. Mẹ tôi lại mối lái cho cô ruột tôi và trở thành chú rể của tôi.

6.6.2019 Lu Hà



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét