Truyện kể của Lu Hà phần 3
Sau ba tháng tập tành chúng tôi được bắn đạn thật, tôi bắn
3 viên thì 1 phát trúng bia vòng 10 và 2 phát trúng bia vòng 9. Sau đó đánh bộc
phá nằm sát ụ đất giả làm lỗ châu mai, hay hầm ngầm quân địch, tay tôi run lên
cầm cập rút dây nụ xòe bộc phá nhét vội vào cái lỗ đất. Trước khi rút dây, trung
đội trưởng Huệ bảo làm gì mà run lên cầy sấy thế? Bộc phá nổ tôi nằm lăn ra mấy
vòng theo đúng thao tác đã được học. Sau đó tập mang vác nặng, trước cửa đại đội
đã có sẵn một đống gạch, lính tráng xếp vào ba lô cho đủ 20 kg, tăng dần từng
ngày khi nào đạt được 30 kg thì thôi.
cuối cùng chúng tôi đi hành quân dã ngoại khoảng 10 ngày ,
lên những vùng núi cao ngút, tôi còn nhớ cái tên Ngọc Sơn, Ngổ Luông thuộc tỉnh
Hòa Bình, cảnh trí ở đây thật đẹp, những ngôi nhà sàn heo hút của đồng bào dân
tộc Mường, tôi cũng học cách hút thuốc lào và ở nhà dân, mỗi nhà chứa 3 thằng
lính bộ đội cụ Hồ, nhà lớn có thể đến 6 thằng.
Đứng trên đỉnh núi cao chót vót nhìn những cánh đồng lúa,
nương rẫy bao la mà không khỏi cảm thấy chóng mặt. Nhìn vách núi cao, vực sâu
thăm thẳm và rợn cả tóc gáy. Sau đó
chúng tôi lại hành quân trở về bãi Lai, huyện Lương Sơn, tôi được gọi lên tiểu đoàn và được
cử đi học một khóa huấn luyện cấp tiểu đội trưởng để sau này không phải vào Nam
chiến đấu, ở lại làm cán bộ khung.
Đến trường huấn luyện, đủ cả lính tráng chọn từ các đại đội,
tiểu đoàn của trung đoàn thủ đô được khoảng 30 người. Viên trung úy thao thao bất
tuyệt, các đồng chí thuộc diện cán bộ nguồn, thành phần cơ bản vào đây học tập,
để trở thành tiểu đội trưởng. Các đồng chí hãy cố gắng lên một ngày không xa sẽ
tiếp đón các đồng chí vào trường sĩ quan lục quân. Một tuần đầu thử thách sức
kiên trì, khả năng chịu đựng dẻo dai, chúng tôi hàng ngày phải lên rừng chặt
tre nứa, bương, vầu bó thành từng bó cho lao xuống vực, gần sông suối thì đóng
thành mảng đưa về trường huấn luyện. Mấy thằng lính công tử Hà Thành quen ăn, rồi
nằm dài lưng tốn vải chúng nó không chịu đựng nổi, nó làm đơn xin trở lại đơn vị
cũ để vào Nam chiến đấu diệt Mỹ, và quân đội Sài Gòn, nghe lời Trịnh Tố Tâm
tuyên truyền mà mơ mộng thành anh hùng, dũng sĩ. Tôi dại dột và a dua theo
chúng nó và cũng làm đơn xin trở lại đơn vị cũ.
Sau 6 tháng huấn luyện tân binh tôi được mang quân hàm
binh nhì, và đeo ba lô lên đường vào Nam. Cả trung đoàn thủ đô được xe tải bốc
lên theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đã được mở rộng trên đất Lào để tăng cường
cho quân đoàn 559, do ông Đổng Sĩ Nguyên làm tư lệnh trưởng. Chúng tôi phải ra
đi cấp tấp ra đi vào lúc nửa đêm, không được phép ghé thăm nhà. Dọc đường quốc
lộ tuyến Hòa Bình – Hà Nội đã có vệ binh, trong Nam gọi là quân cảnh, chỉ khác
ngoài Bắc đeo băng đỏ, trang bị súng AK dữ rằn đứng gác đề phòng lính đào ngũ.
Đề phòng máy bay Mỹ phát hiện, vì lớp bụi mù, nên thường
thường xe chạy vào ban đêm, đến các binh trạm thì dừng nghỉ. Ban ngày lính
tráng tản ra khắp rừng mắc võng nằm, mỗi thằng lính được phát cho một cái cặp lồng
hay gọi là ăng gô chia thành nhiều ngăn. Tôi mở bao ruột tượng đổ gạo vào ăng
gô chừng bát để nấu cơm, ra suối lấy nước. Đang hí hoáy thổi lửa phù phù thì thằng
Thành nhà ở hàng Mã sau này xuất ngũ là sinh viên trường đại học mỹ thuật công
nghiệp Hà Nội, bên kia đường Đê La Thành. Nó rất giỏi vẽ khi còn ở bãi Lai huyện
Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, thường cả ngày vẽ tranh tuyên truyền cổ động cho đại đội.
Dọc đường hành quân nó để rơi mất cái bút lông nó lại nghi tôi ăn cắp. Nó không
chịu nghe lời tôi phân bua, cứ nhảy vào đòi đánh tôi. Tôi bực mình nổi máu lên
đẩy nó ra, đè nó xuống đất, mọi người phải chạy lại căn ngăn mãi nó mới thôi. Hình
như trên đường vận chuyển tôi và nó ngồi cạnh nhau ở một chặng nào đó chỉ một lần trên những chuyến xe đêm, nên nó
ghi ngờ tôi. Thật là xúi quẩy cặp lồng cơm của tôi bị cháy khê. Cơm không tiếc
chỉ tiếc cái cặp lồng là một tài sản vô giá của người lính bị đen thui, sau phải
mang ra suối dùng cát đánh mãi mới sạch bóng lại như cũ.
16.6.2019 Lu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét