Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Tuổi Ấu Thơ (5)


Truyện kể của Lu Hà phần 5

Truyện tôi mới 6 tuổi cháu đích tôn ông Đồ nổi tiếng hay chữ nhất làng, nền nếp giáo huấn theo đạo Khổng Mạnh lúc nào cũng nhân nghĩa lễ trí tín, công dung ngôn hạnh lại đánh một đứa trẻ lớn gấp đôi gãy chân loan tin khắp làng và các vùng lân cận. Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn. Ại cũng bảo tôi ngỗ nghịch được ông bà nuông chiều quá mức nên hỗn láo khó dạy bảo.


Ông bà tôi cứ dửng dưng thản nhiên không hề mắng nhiếc hăm dọa đe nạt tôi, ngược lại ông tôi còn biện lý với mọi người là cháu ông nhỏ con, nếu so với thằng cu giò, còn có tên là Uy làm sao cháu ông có thể vật ngã nổi nếu chỉ có mình nó, ắt hẳn còn hai thằng kia. Cả 3 đứa cùng đè lên mới có thể gãy chân được. Cô tôi cũng im lặng chỉ ra bưu điện gọi về Hà Nội báo gấp cho mẹ tôi . Còn chú tôi chỉ trừng phạt bắt ngồi ôm cột một tiếng.

Mẹ tôi nhận được giấy báo trồi trổ lên, đi ngay chuyến tàu đêm về quê để lôi cổ tôi về Hà Nội. Mẹ chỉ mếu máo khóc và rất buồn tại sao lại sinh ra cái thằng Lý Thiết Ngưu, Hắc Toàn Phong, Lý Qùy này? Mẹ không mắng chửi gì nhiều còn mua cho tôi một cái quần kaki mới. Tôi lại theo mẹ về Hà Nội, bố tôi được tin cũng xin phép đơn vị để giải quyết việc nhà. Bố tôi giận lắm, vốn dĩ là một võ quan nhưng ông không đánh tôi, tát tôi, mà ông xé nát cái quần kaki mới toanh của tôi. Ông như dồn hết tất cả cơn giận vào cái quần kaki vậy. Giống như Lưu Bị được Triệu Tử Long cởi bọc dâng A Đẩu lên thì bị lại ném đứa con lên thảm cỏ dày mà không ném vào chỗ gò đá lởm chởm, miệng còn nói chỉ vì mày mà tao xuýt mất đi một vị đại tướng quân. Mọi người khuyên bố tôi bớt giận, thôi lại phải gửi nó về với ông bà học tiếp lớp vỡ lòng cho kịp vào lớp 1. Tôi khóc lóc xin hứa sẽ chăm học, không chơi nghịch lêu lổng nữa cho ông bà bố mẹ cô chú dì vui lòng.

Tôi lo lắm không được vào lớp 1 nhưng bọn trẻ con rủ nhau là thày Th đồng ý cho mày vào lớp 1. Thày là chú tôi, hồi nhỏ thày cũng nghịch ngượm bơi lội ở ven sông, bất ngờ thấy một quả lựu đạn hay quả mìn rỉ mới táy máy mang lên bờ tò mò chọc khuấy chả may một tiếng nổ nhỏ, thày chỉ mất đi một ngón chân, lúc đó có ông bác sĩ hay y tá vườn của một đơn vị bộ đội cắt cụt đi cả cái chân tới tận đùi non. Nên suốt đời phải chống hai tay vào hai cái nạng gỗ. Sau thày học nghề thợ may, chỉ một chân thôi mà đạp như máy. Cô Nh lại là con gái em gái bà ngoại tôi làm hiệu trưởng cấp 1, nên cô đồng ý cho tôi vào lớp 1 và phải được phụ đạo thêm. Cô Mão có mái tóc phi nhê bồng bềnh là giáo viên chủ nhiệm. Tôi đã biết thân biết phận dần dà cũng hết ham chơi mà cần cù nhai chữ. Chả biết từ lúc nào thì khi học tới lớp 3 và lớp 4 tôi đã thích đọc chuyện Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, khi vào lớp 5 và lớp 6 tôi đã đọc cả Đông Chu Liệt Quốc, nhưng sức học của tôi không giỏi mà chỉ xếp vào loại trung bình.
 Kỳ nghỉ hè mẹ lại đón tôi về Hà Nội, mẹ đã sinh đứa em trai thứ ba và tư gọi là thằng B và S. 

Nhưng rồi không quân Mỹ  đánh phá ra miền Bắc để chặn đoàn quân nam tiến của quân đội bắc Việt. Tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Bái- Lào Kai bị phá hủy nặng ở đoạn Việt Trì, giao thông bị tắc nghẽn, trẻ em phải sơ tán ra ngoại thành và các vùng lân cận. Bố tôi không thể đưa tôi trở lại quê với ông bà, bố không biết gửi tôi đi đâu và còn 2 đứa em nhỏ nữa là thằng H và Thằng B. Bố tôi thuộc diện cán bộ trung cấp, đi sơ tán theo bên quân đội người ta chỉ nhận trẻ đã lớn trên 10 tuổi và không không còn kịp nữa. Mẹ tôi không còn làm ở nhà máy gỗ Hà Nội vì làm việc theo ca kíp, theo dây chuyền sản xuất, mẹ sức yếu không theo kịp lại nghỉ đẻ liên tiếp, nên bố tôi đành phải xin cho mẹ tôi làm đầu bếp , làm công tác cấp dưỡng cho công ty vệ sinh và công ty chấp nhận đồng ý cho 3 anh em tôi được sơ tán về huyện Phú Xuyên Hà Nội. Bố tôi lúc đó còn rất cuồng tín vào chủ nghĩa cộng sản. Ông tuyên bố ở đâu có đảng là tôi giao con tôi đến đó. Có chú lái xe com măng ca đưa bố mẹ tôi và 3 anh em tôi mang theo áo quần đồ đạc lỉnh kỉnh về trại trẻ Phú Xuyên vào lúc nửa đêm, các bà bảo mẫu ra đón chúng tôi, ông Chung khi đó là đảng viên dự bị làm trại trưởng và các bà khác là Viên, Thẩm, Toán… Trại có khoảng gần 200 đứa trẻ, họ xếp tôi vào nhà anh chị Thảo ở. Ba anh em đã được chuẩn bị sẵn một cái giường lớn. Bên cạnh là giường con Mỹ là con gái nuôi bà Viên, tôi nghi bà này lúc thời son trẻ trăng hoa quá nên tiệt đường con cái?

Bố mẹ tôi giao kèo với trại trẻ là hàng tháng ngoài tiêu chuẩn ăn cố định, bố mẹ tôi còn đóng thêm 10 kg gạo, và một số tiền. Vì thương các con và sợ các con đói nên bố mẹ tôi làm vậy, không biết làm như vậy sẽ tạo ra một cái hố ngăn cách giữa 3 anh em chúng tôi và những đứa trẻ khác rất nguy hiểm.

Qủa vậy sau khi bố mẹ tôi quay xe trở về, sáng hôm sau nghe tiếng kẻng báo thức tất cả trẻ con thức dậy rửa mặt đánh răng và ăn sáng qua loa rồi đi học. Tôi sẽ vào học lớp 7 tại trường cấp 2 Hoàng Long và thành H vào học lớp 3, thăng B vào mẫu giáo. Bữa cơm trưa và tối bọn trẻ con phải xếp hàng nhận cơm, họ dùng cái cân treo lên tòng teng, anh em chúng tôi sau khi nhận phần cơm còn được thêm một muỗng cơm và thêm mấy thìa canh. Tôi cảm thấy sống như vậy khác chi ở tù, đầy đọa như hỏa ngục, cơm nhiều khi không lấy nhanh ruồi nhặng bu lên, không những thế thằng Quý trại viên nó ghen tỵ nó lấy cắp đũa ăn của tôi và bẻ gãy đi. Tôi thấy ngay từ đầu đã ngăn cách giai cấp như vậy, nên tôi nằng nặc đòi về. Tôi tuyên bố trước sau tôi sẽ đưa hai thằng em về. Các chú các cô có xiềng xích cháu lại cũng có lúc phải thả cháu ra đi đái đi ỉa là lúc đó cháu sẽ biến. Và giữa trưa tôi lén đánh thức hai thằng em dậy và mang theo túi đeo, bị sách đựng quần áo và tếch khỏi trại.

Ba anh em chúng tôi thất thểu trên con đường quốc lộ nhằm hướng Hà Nội, các xe tải phóng bon bon, tôi giơ tay vẫy vẫy nhưng xe không thèm đỗ, thỉnh thoảng là những chiếc xe con nhà binh phóng qua. Nên tôi nảy ra sáng kiến, khi thấy một chiếc xe nhà binh từ xa, tôi liền quẳng tất cả túi sách ra chặn giữa đường. Một tiếng phanh rùng rợn và tiếng quát hỏi đi đâu? Tôi chạy đến khẩn khoản chúng cháu muốn về Hà Nội với bố mẹ. Các chú bộ đội cười và cho cả 3 anh em chúng tôi lên xe về Hà Nội. Khi tới Ô Chợ Dừa họ để 3 anh chúng tôi xuống xe và tiếp tục xe phóng về hướng Hà Đông. Về đến nhà thì vừa sẩm tối thấy bố mẹ tôi tươi cười hớn hở chuẩn bị bánh tai voi, bánh quy xôp và một tải gạo 50 kg, ruốc thịt lợn đóng vào vào cái lọ thủy tinh lớn…Bố tôi giận tím người, điên tiết lên đánh tôi một trận bằng thắt lưng. Đây là lần đầu tiên bố tôi đánh tôi. Tôi mếu khóc xin bố đừng tin vào đám người đó, họ chẳng tốt lành gì đâu, hãy đưa ba anh em chúng con về quê với ông bà nội, ngoại và cô dì chú bác, không gì bằng máu mủ ruột thịt nhà mình. Bố tôi bảo ở đâu có đảng thì tao giao con tao tới đó. Tôi cãi lại cái nhà ông Chung ấy có phải đảng gì đâu, mới chỉ là quần chúng cảm tình đối tượng là đảng viên dự bị.

Ngay từ nhỏ tôi gần gũi với bà nội, tính bà tôi lại hay kể chuyện về cái quá khứ xa xăm nào là bà, cô chú tôi bị bắt lên đình trói gô ở đó, vì họ thấy nhà tôi lắm của để, ruộng đất, trâu bò. Cô chú tôi còn bé tí bị muỗi cắn rên rỉ suốt đêm, và họ có ý định mang ra xử bắn. May quá lúc đó bố tôi với chức vụ tiểu đoàn trưởng phi ngựa suốt đêm về làng giải cứu, ông tôi là phó chủ tịch huyện cũng bỏ cả nhiệm sở về làng. Tuy tôi lúc đó rất tự hào có người cha bệ vệ súng ngắn đeo hông với quân hàm không quân lấp lánh, bố tôi không phải phi công mà chỉ là sĩ quan chính trị cho trường đào tạo không quân.

Nên tôi cãi lại bố là ngày xưa bố chẳng có nghề nghiệp gì nên mới phải đi bộ đội. Bây giờ bố cứ tin vào đảng là bố làm khổ anh em chúng con, bố giao trứng cho ác. Bố tôi tức quá gầm lên như một con hổ dữ: Mày còn nói láo nữa tao đánh mày chết tươi ngay lập tức. Mẹ tôi thấy tình hình căng thẳng tột đỉnh sợ trong lúc điên tiết bố tôi đánh chết tôi thật, nên xen vào can giải: Thôi ông đừng nóng giận quá mức, thằng này bất trị như vậy nhưng nó cũng là máu thịt của ông.

Sáng hôm sau bố tôi lại dùng xe con có một chú tài xế đưa cả 3 anh em chúng tôi trở lại trại…Tôi đành phải cắn răng mà chịu đựng. Bố tôi đưa tôi đến trường cấp 2 Hoàng Long xin nhập hoc. Cả ban giám hiệu nhà trường vây quanh bố tôi nghe kể chuyện đánh Mỹ, tên lửa Sam của Nga hạ nhiều máy bay Mỹ, các phi công Mic của ta rất dũng cảm. Tôi không biết lắm là bố tôi nói thật hay chỉ nói phét thôi. Các thày hỏi bố tôi có phải phi công không thì ông bảo là không phải; chỉ là sĩ quan chính trị.

Trường học chính trị tuyển dụng phi công tương lai cũng cách nhà tôi không xa, tôi thường đi xe đạp tới đó tắm nhờ, có vòi hoa sen tắm thỏa thích. Nhà mẹ tôi ở thường xuyên thiếu nước, tôi lại bị viêm tai giữa bên trái chảy mủ. Vì những ngày ở nhà quê hay bơi lội tắm nước sông hồ ao đục, mẹ tôi lại nghe lời người ta khuyên đốt con cá thài mại với phèn chua thổi vào tai, lợn lành chữa thành lợn què. Cho nên sức nghe của tôi hơi kém, sau này học tiếng Đức phát âm không chuẩn người ta bảo tôi dốt tiếng Đức, tuy rằng tôi đã theo học các lớp Realschule buổi tối, từng học nghề hơn 3 năm, có thể đọc thông viết thạo nhưng nhiều người nghe tôi nói quá nhanh họ không hiểu và vợ tôi các con tôi chê tôi không nói được tiếng Đức cho đàng hoàng, sống suốt đời ở Đức cũng thế thôi.
 Vì lo cho cái tai của tôi, bố có nhờ chú Ánh là bác sĩ chuyên khoa của trường tuyển dụng phi công, chú Ánh tuân lệnh thủ trưởng đưa tôi đi bệnh viện 108 khám. Các bác sĩ sau khi chụp X- Quang khuyên đừng mổ vì không ai dám mổ, cái tai rất gần với não bộ. Vậy cứ nhỏ thuốc và dặn cháu đi tắm đừng để nước vào tai là ổn. Chú Ánh bảo hôm nay cháu được kiểm tra hết tất cả tim gan phèo phổi, các cơ quan trong cơ thể rất tốt. Còn cái tai thì để chú khám cho.

Bây giờ ổ bên Đức, cửa hàng bán đồ tai nghe, sau khi kiểm tra người ta khuyên tôi nên đeo tai nghe, khuyếch đại tần số âm thanh cao lên, tai nghe miễn phí do bảo hiểm y tế trả. Nhưng tôi gạt đi,  thôi khỏi cần tôi nói chuyện với chị vẫn thao thao bất tuyệt bình thường chứ có gì đâu? Chị nói gì tôi nghe rõ, tuy giọng tôi hơi to theo thói quen một chút. Tôi chỉ ở nhà ít giao thiệp có phải là giáo sư, nhà báo hay diễn giải gì trong phòng lớn mà cần nghe rõ và trả lời. Cái quan trọng thiết thực lúc này là tập khí công để nâng cao sức khỏe, chả bao lâu nữa tôi đã 70 tuổi rồi.

8.6.2019 Lu Hà







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét