Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Vũ Điệu Hồn Ma Thảm Sầu

Bình thơ Giang Hoa và Lu Hà

Vũ Điệu...

Thủy mặc liêu tình liễu thướt tha
Trời đen chuyển gió hạc bay sà
Oanh vàng rủ bạn bay về cõi
Hoẵng xám kêu đàn nhảy chặng xa
Giữa cảnh người đi rời ý mộng
Chiều thu biển hát dạo âm hòa

Sang thuyền bến lở giờ ôm hận
Vũ khúc nghê thường lệ đổ sa ...

27.05.2016 Giang Hoa



Bóng Ma Sầu...
họa thơ Giang Hoa: Vũ Điệu…

Đom đóm lập lòe chẳng chịu tha
Từng đàn dắt díu bụi cây sà
Bóng đen lạc lõng trăng mờ ảo
Mây trắng chập chờn gió hú xa
Thăm thẳm rừng sâu sương lã chã
Hắt hiu đồi trọc hạt mưa sa
Thảm thê nấm cỏ hồn hoa dại
Giun dế thâu canh nhạc tấu hòa…!

27.5.2016 Lu Hà


Họa thơ là một việc cực kỳ khó. Có khi tự nghĩ ra một bài thơ còn dễ hơn người họa lại. Vì họa thơ đòi hỏi phải có kiến thức trình độ uyên bác về thơ đường, ngoài việc anh phải họa theo vần và tránh dùng lại các chữ của người ta mà còn phải biết nâng lên một tầm tư duy sáng tạo mới. Nếu phù họa theo ý tưởng người xướng càng tốt, nếu không thì ý tưởng của riêng mình trí tưởng tuợng của mình thêu dệt ra một ngữ cảnh tâm linh độc đáo. Nếu không sẽ sa vào cảnh nhai lại bã mía người ta nhả ra. Người ta viết về vịt gà thì mình cũng ngan ngỗng.
Không gì khổ bằng cho khách làng thơ đọc một bài thơ chỉ có chữ là chữ, đơn điệu nhàm chán cứ gào lên yêu thuơng đau khổ mà xét cho cùng nhạt phèo rỗng tuyếch chả thấy  yêu thương đau khổ quái gì. Chưa nói là tình trạng nhái thơ, nhại thơ, đạo thơ. Thành ra một bài thơ đường uyên bác thâm sâu của người ta, mình bôi bác nham nhở  ra nông cạn. Họa mà cố gò ép sao cho đúng niêm đúng luật thôi chưa đủ mà phải biết bày tỏ cho người đời biết tâm trạng nỗi lòng mình.

Nàng Tây Thi có bệnh đau bụng, mỗi khi nhăn mặt ôm bụng thì đẹp vô cùng. Nàng Đông Thi cũng gỉa vờ nhăn mặt thì mọi người chạy cả. Họa chăng có đám ma qủy dở ngô dở ngọng chúng mới thích thú khen Đông Thi đẹp mà thôi.

Thực ra mấy năm nay tôi bỏ bẵng cái anh thơ đường, không quan tâm lắm. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy thương trăng khóc gió, bướm lượn nhạn sà, lá rụng mưa rơi mà ý tưởng thì nông cạn, tình cảm hời hợt nhạt phèo mà các ông bà con giời cố ra công  gò ép chữ cốt sao cho đúng niêm luật mà hồn thơ rỗng tuyếch. Mặc áo thụng vái nhau, rêu rao thơ mình hay qúa là hay vênh vênh váo váo bởi có lắm like, lại  còn vạch mặt chỉ tên người khác làm thơ không hay bằng vài  cái comment dớ dẩn què cụt ngắn ngủn bâng quơ… Vì ngu dốt trí tuệ kém cỏi thì đổ cho là thơ người khác làm lộn xộn khó hiểu... Tôi không quan tâm đến chuyện thơ thiên hạ làm thơ dở, ai viết gì mặc họ. Mình nên tôn trọng sở thích niềm vui của họ. Họ có mồm có tay thì tự do mà viết. Trừ thơ nhạc rỏm  của mấy tay cộm cán bịp đời, bịp thiên hạ nặng qúa tôi mới lên tiếng. Còn người khác tôi phớt ăng lê không can gì đến mình. Thời gian trên Facebook là để tìm hiền nhân thực sự, giao du các chân tài. Trong số các chân tài tôi rất ngưỡng mộ nữ sĩ Giang Hoa. Ngoài chuyện thiên hạ làm thơ ra, trừ các cụ than vãn về đời thế cuộc hay thơ ngạo báng chêm chọc có ý nghĩa sâu cay tôi mới đọc. Còn làm thơ tình mà cứ cái anh thơ đường xem ra không ổn, nên tôi quan tâm đến thể khác. Nhưng dù sao thơ đường vẫn còn có chất trí tuệ hơn cái làn sóng thơ tự do nhà nhà làm thơ người người làm thơ ai cũng là thi sĩ cả, vô thưởng vô phạt nhăng cuội, viết văn xuôi rồi xuống dòng bảo là thơ đó.

Tôi cứ nhẩn nha chơi thơ với nữ sĩ Giang Hoa  về thơ đường. Tiện tay ghi lại vài dòng cảm nghĩ lưu niệm coi như bình thơ để phòng bị, ngộ nhỡ tôi về quê hương vĩnh hằng vui vầy với các nàng tiên trên sông Ngân Hà, còn lại chút tình thơ văn để lại cài cắm trên các trang mạng Internet, Facebook, Blogs v. v….Hậu thế mai sau ai đó thích và nhớ đến tôi tiện lợi tra cứu nghiền ngẫm. Ai chê thì thôi.

Vũ điệu, bước nhảy  của những bóng ma sầu là điều tôi muốn bàn đến cả hai bài đường thi của Giang Hoa và Lu Hà.

Giang Hoa:
"Thủy mặc liêu tình liễu thướt tha
Trời đen chuyển gió hạc bay sà"

Lu Hà:
"Đom đóm lập lòe chẳng chịu tha
Từng đàn dắt díu bụi cây sà"

Thủy mặc là cảnh hồ nước hoang liêu có những cành liễu thướt tha trong khoảng trời đen mênh mông chỉ nghe thấy tiếng gío chim hạc sà xuống, đom đóm lập lòe chẳng chịu buông tha từng đàn cô hồn ma quái dắt díu nhau dưới  lần mò dò dẫm từng gốc cây bụi cỏ sập sà  bên mấy gốc cây gai góc dây leo chằng chịt. Một cảnh tượng rờn rợn từ hai câu đầu của cả 2 bài thơ.

Giang Hoa:
“ Oanh vàng rủ bạn bay về cõi
Hoẵng xám kêu đàn nhảy chặng xa“

Lu Hà:
“Bóng đen lạc lõng trăng mờ ảo
Mây trắng chập chờn gió hú xa “

Oanh vàng hoẵng xám cầm thú đối nhau nơi sơn thủy động hồ hoang dã rủ bạn gọi đàn bay về cõi  xa xăm cùng với những bóng đen lạc lõng của những linh hồn oan khiên không nơi nương tựa khói nhang, mờ ảo mây trắng chập chờn có thể là vùng rừng thiêng nước độc khỉ ho cò gáy vượn hú cú kêu thác gào gió rít cảnh tượng thật là ghê rợn…

Giang Hoa:
“Giữa cảnh người đi rời ý mộng
Chiều thu biển hát dạo âm hòa“

Lu Hà:
“Thăm thẳm rừng sâu sương lã chã
Hắt hiu đồi trọc hạt mưa sa “

Con người ta lúc còn sống thì luôn khát khao những dự định hoài bão mơ mộng và một khi đã ra đi về thế giới bên kia coi như câu chuyện cuộc đời đã chấm dứt, chỉ còn những chiều thu biển hát sóng vổ rì rào hòa âm cùng với mưa gió trăng sao cát bụi vần vũ trong khoảng thinh không mênh mông vô tận, khác chi nơi rừng thẳm tuyết dày sương rơi lã chã đồi trọc mưa sa trên những nấm mồ lạnh lẽo hoang vu...

Giang Hoa:
“Sang thuyền bến lở giờ ôm hận
Vũ khúc nghê thường lệ đổ sa ...“

Lu Hà:
“Thảm thê nấm cỏ hồn hoa dại
Giun dế thâu canh nhạc tấu hòa…!“


 Giang Hoa viết: Sang thuyền bến lở có khác chi lỡ bước sang ngang? Bước chân đi cấm kỳ trở lại. Ví như phận người con gái lấy chồng tưởng là nơi chọn mặt gửi vàng có chỗ nương tựa dựa dẫm cho tấm thân bồ liễu mảnh mai? Ai ngờ lại là nơi địa ngục trần gian như bao cô gái Việt Nam làm dâu bên Đài Loan, Nam Hàn v.v...Rồi ôm một mối hận thiên sầu vạn cổ,  uất ức chết đi thành những con ma nữ áo trắng nhảy vũ điệu nghê thường cánh tay áo phất phơ trong làn sương mờ ảo. Trần gian là những nấm mồ cỏ dại âm u có giun dế bầu nạn tấu nhạc suốt canh thâu.

Theo tôi cả hai bài thơ đường Giang Hoa và Lu Hà sáng tác, có gía trị nhân văn tâm linh đó. Rất đáng được hậu thế coi trọng. Không phải của mình làm ra thì mình khen hay. Tôi đã bỏ thời gian phân tích vì tôi quan tâm đến nền văn hóa nước nhà. Tôi không háo danh tham lợi, tiếng tăm hão làm gì. Xin chớ hiểu lầm tấm lòng của tôi.  Còn như khinh rẻ xem thường thì đành chịu vậy thôi. Đọc thơ, hiểu thơ còn phụ thuộc vào trí tưởng tượng và cảm ngộ của mỗi người  trình độ vốn dĩ rất khác nhau. Thơ đường xưa nay là loại thơ mà các tao nhân mạc khách dùng để thù tạc xướng họa. Thơ cốt nói cái chí và tâm trạng của mình hoàn toàn không có ý thức giai cấp. May ra thì thơ trúng ý muốn của nhiều người, còn không chỉ nói ra cái tâm trạng của chính tác gỉa đó mà thôi. Cho nên gía trị bài thơ không phải là làm hài lòng tâm lý suy nghĩ của nhiều người cùng giai cấp? Thơ đường có cảnh giới của tâm linh, khi tâm linh mình chưa đạt tới cảnh giới đó thì mình không thích. Nếu mình không thích không hiểu thì nên im lặng và biết tự trọng có lẽ tốt hơn đừng có comment linh tinh càng lòi cái dốt ra. Tôi cũng chả có thời gian mà quan tâm đến người đó mà tốn công phân tách thành ra tôi là kẻ ăn miếng trả miếng cò cưa lem nhem làm mất cái thú vui văn chương hào sảng say mê sáng tạo đi.

27.5.2016 Lu Hà








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét